Các nhà khoa học Anh đã sáng chế một loại kính tự làm sạch, cực kỳ thuận tiện đối với những nơi nguy hiểm hoặc không dễ tiếp cận.
Kính bình thường (trái) và kính tự làm sạch Pilkington Activ. |
Kính tự làm sạch được coi là mơ ước không thể thực hiện được. Tuy nhiên, sau chương trình nghiên cứu và phát triển dày công, bắt đầu từ những năm 1990 của các nhà sáng chế quy trình kính nổi tại Công ty sản xuất kính hàng đầu thế giới Pilkington, kính tự làm sạch Pilkington Activ đã ra đời. Phải mất từ năm tới bảy năm để đưa mẫu kính từ phòng thí nghiệm sang dây chuyền sản xuất.
Kevin Sanderson, một thành viên trong nhóm phát triển sản phẩm mới, cho biết: ""Pilkington Activ được dựa trên titanium dioxide, chất được sử dụng trong thực phẩm, thuốc đánh răng và kem chống nắng. Titanium dioxide là một loại bột trắng, không lý tưởng đối với sản xuất kính bởi con người không thể nhìn qua nó. Để vượt qua trở ngại này, nhóm phát triển sử dụng một lớp màng titanium dioxide cực mỏng (chỉ dày 15 nanomet) để kính Pilkington Activ càng giống kính bình thường càng tốt.
Pilkington Aciv sử dụng hai quy trình để tự làm sạch. Nó hấp thụ ánh sáng tử ngoại gây phản ứng xúc tác quang hoá để phân huỷ bụi trên kính. Thứ hai, lớp titanium làm cho bề mặt kính thấm nước. Điều này có nghĩa là khi nước đập vào kính, các giọt nước hút nhau, hình thành một màng nước chứ không phải các hạt riêng lẻ, rửa trôi bụi bẩn khỏi kính cửa có màu hơi xanh xanh này. TS Sanderson cho biết: ""Nó phá huỷ các chất bẩn hữu cơ một cách tự nhiên cũng như giảm độ dính của các loại chất bẩn khác vào mặt kính"".
Lớp titanium sẽ mất chừng một tuần hấp thụ đủ ánh sáng tử ngoại để bắt đầu phân huỷ chất bẩn trên cửa sổ. Tuy nhiên, ngay khi đã ""ăn"" đủ, nó sẽ phân huỷ chất bẩn cả vào những ngày nhiều mây. Pilkington đề xuất sử dụng loại kính mới này ở những nơi mà việc lau kính gặp khó khăn và cho các cửa sổ hoặc đài thiên văn tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời cũng như mưa. Nếu cửa sổ cần làm sạch, chỉ cần phun nước là đủ, không phải sử dụng các chất tẩy rửa độc hại.
Mặc dù hơi đắt tiền hơn một chút so với kính thông thường song kính Activ mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là rất thân thiện với môi trường. Hiện nay, mỗi lần hoá chất được sử dụng để lau kính, chúng được rửa trôi xuống đất, gây ô nhiễm. Điều chúng ta phải làm trong tương lai với kính Activ chỉ là phun nước lên bề mặt kính. Ngoài ra, nó còn giảm thiểu số người bị tai nạn do ngã thang khi lau kính.
Kính Activ là một trong bốn sản phẩm được chọn vào danh sách chung kết xét Giải thưởng MacRobert trị giá 50.000 bảng Anh, do Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh trao tặng vào ngày 10/7 tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét